Cải thiện môi trường kinh doanh: Trên nóng, dưới cũng phải nóng. Cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục quản lý chuyên ngành tiếp tục là 2 mục tiêu trọng tâm trong cải thiện môi trường kinh doanh năm 2019 của Chính phủ.
Ðánh giá về tình hình thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh năm 2018, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, tuy có bước tiến triển, song chưa có sự đồng bộ giữa các bộ, ngành, chưa đáp ứng kỳ vọng về tính hiệu quả.
“Từ tháng 11/2018 trở lại đây, hầu như không có nghị định nào về cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành. Có vẻ như các bộ đã hoàn thành chỉ tiêu thì không còn áp lực nữa. Một số nghị định vẫn chưa được ban hành thuộc Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải, chúng tôi chờ đợi từ tháng 6/2018 có dự thảo, tháng 9 thấy có trình dự thảo, nhưng đến giờ vẫn chưa được ban hành”, bà Thảo nhận xét thẳng thắn và cho rằng, cần xây dựng cả đề án tổng thể cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 243 ngành nghề, thay vì các bộ ngành tiến hành riêng lẻ rồi trình lên Chính phủ như hiện nay.
Ðại diện CIEM cũng dẫn ra kết quả khảo sát không lấy làm tích cực của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo đó, có tới 57% doanh nghiệp đánh giá thủ tục xuất nhập khẩu không cải thiện, trong khi cắt giảm điều kiện kinh doanh tại một số lĩnh vực chưa thực chất khiến doanh nghiệp vẫn chưa được thụ hưởng thành quả từ cải cách.
“Mới đây, một số doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình phàn nàn với chúng tôi rằng họ phải trải qua thủ tục cấp phép hoạt động nhiều khâu nhiều cửa. Dù có vốn có tiền, nhưng không thể nào đáp ứng điều kiện kinh doanh về phát thanh truyền hình. Họ nói rằng sẽ chờ đợi thêm một thời gian nữa, nếu vẫn không được họ sẽ chuyển sang đăng ký hoạt động tại Singapore”, bà Thảo chia sẻ phản hồi của doanh nghiệp.
Liên quan đến cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, trong khi chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 13 bậc (từ thứ 82 lên thứ 69/190 nền kinh tế) thì chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới (chỉ số về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá) lại giảm 7 bậc (từ thứ 93 xuống thứ 100/190 nền kinh tế).
“Ngoài việc cải thiện thủ tục xuất nhập khẩu chưa mạnh mẽ bằng các nước, nguyên nhân chính là do thủ tục thông quan đối với loại hàng hoá thuộc diện phải quản lý kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rườm rà, phức tạp, nhiều thủ tục, giấy tờ gây tốn kém về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp”, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn về hải quan, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan nhận xét.
Thống kê của chuyên gia này cho thấy, trong số 33 văn bản yêu cầu phải sửa đổi bị nêu đích danh tại các nghị quyết 19 của Chính phủ, đến nay vẫn còn tới 13 văn bản chưa sửa đổi, chiếm tới 39,4%.
Thậm chí, trong số này, có nhiều văn bản vẫn được xây dựng trong tình trạng cơ quan chủ trì không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19, dẫn đến có những quy định trái hoặc không phù hợp với Nghị quyết, vừa ban hành đã bị Thủ tướng yêu cầu sửa đổi.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - doanh nghiệp nằm trong nhóm ngành thường xuyên phải đối diện với những khó khăn, bất cập trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành - cho biết, thời gian thực hiện các thủ tục chứng từ để tuân thủ các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam vẫn cao hơn gấp đôi so với mức bình quân của ASEAN.
Các chi phí bỏ ra tương đương mức doanh nghiệp phải nộp là 24,5%, cũng cao gần gấp đôi so với 12,5% của ASEAN; số biện pháp lên tới 402 biện pháp, thậm chí còn cao hơn năm 2003.
“Năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vượt năm 2018 - vốn đã tăng 16,6% cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi thị trường năm nay được dự báo là khó khăn và nhiều thách thức hơn nên để đạt được mục tiêu này, rất cần có sự hỗ trợ thuận lợi hóa hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp”, ông Trường nhấn mạnh.
Ðại diện Vinatex kiến nghị, cần tiếp tục cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, đặc biệt là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng như các thủ tục tuân thủ chứng từ các biện pháp phi quan thuế để giảm mạnh thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.