Tăng sức cạnh tranh của hàng hoá qua dịch vụ hải quan. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, có tới 87,8% các doanh nghiệp ngành logistics cung cấp dịch vụ khai báo hải quan.
Điều đó cho thấy nghề cung cấp dịch vụ hải quan, cụ thể là đại lý hải quan và bảo lãnh thông quan đang dần trở thành dịch vụ cơ bản của các công ty logistics và là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của ngành logistics...
Ông Âu Anh Tuấn, Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan chia sẻ, trong nhiều năm qua đại lý làm thủ tục hải quan đã trở thành cánh tay nối dài giúp cơ quan hải quan cũng như doanh nghiệp xuất, nhập khẩu giảm tải áp lực công việc, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhanh chóng trong thủ tục hải quan.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 1.000 đại lý thủ tục hải quan được Tổng cục Hải quan công nhận đủ điều kiện hoạt động và có khoảng 1.800 nhân viên đại lý hải quan đã được cấp mã số.
Tuy nhiên các đại lý thủ tục hải quan đang chủ yếu tập trung tại các khu vực có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, tại các cảng biển, cảng hàng không trọng điểm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các khu công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...
Một khảo sát gần đây của Tổng cục Hải quan cho thấy, tỉ lệ tờ khai đại lý được ủy quyền nộp thuế thay hoàn toàn cho chủ hàng chỉ chiếm 9,9%, đặc biệt là mức độ tin cậy của đại lý chưa được đánh giá ở mức cao, chỉ chiếm tỉ lệ dưới 10%. Nguyên nhân được báo cáo khảo sát này cho rằng là do nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa tin tưởng nhiều vào đại lý hải quan.
Lý giải về sự thiếu niềm tin này, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng doanh nghiệp xuất nhập khẩu không muốn làm thủ tục hải quan qua đại lý trung gian do phát sinh chi phí, tốn thêm nhiều thủ tục và rủi ro phát sinh về sau.
Do đó nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường trực tiếp làm thủ tục hải quan, nếu thuê đại lý thì không ký hợp đồng dịch vụ mà ký giấy giới thiệu cho nhân viên đại lý thành nhân viên của mình để làm thủ tục hải quan...
Những việc này thường đẩy rủi ro sau thông quan về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá. Thực tế là nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa hiểu lợi ích của việc sử dụng dịch vụ đại lý, do đó mặc dù phần lớn doanh nghiệp logistics đều cung cấp dịch vụ này.
"Mục tiêu của ngành hải quan là phát triển đại lý làm thủ tục hải quan như các nước tiên tiến, việc làm thủ tục hải quan 80-90% thông qua đại lý. Do đó, đã có nhiều quy định nới lỏng các thủ tục mở đại lý thủ tục hải quan. Đặc biệt là việc đại lý có thể chịu trách nhiệm toàn bộ lô hàng khi xuất nhập khẩu nếu khai sai mã hàng hoá, giá, thuế...
Những quy định này sẽ giúp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu có niềm tin hơn khi kí hợp đồng đại lý làm thủ tục hải quan...", ông Âu Anh Tuấn giải thích.
Cũng theo ông Tuấn, ở nhiều nước hoạt động đại lý hải quan phát triển mạnh, như tại Nhật Bản 90% số lượng tờ khai hải quan được thực hiện thông qua địa lý hải quan, còn ở Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan số lượng chiếm trên 80%.
Ông Âu Anh Tuấn nhấn mạnh, "để đại lý thủ tục hải quan chuyên nghiệp, thực sự trở thành cánh tay nối dài giúp cơ quan hải quan cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm áp lực công việc, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2015/TT-BTC.
Theo đó, đại lý hải quan đã được hưởng lợi rất nhiều từ cơ chế chính sách như đã đơn giản hóa khi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan, thủ tục công nhận đại lý hải quan, thủ tục cấp mã số nhân viên hải quan...".
Liên quan đến dịch vụ bảo lãnh thông quan, hiện Tổng cục Hải quan với sự hỗ trợ của Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) đang khẩn trương tổ chức đợt làm việc tập trung nhằm hoàn thiện Đề án thí điểm bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, sớm báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội.
Ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, việc áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan sẽ giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu thay vì phải chờ nộp đầy đủ thuế, thực hiện các nghĩa vụ về kiểm tra chuyên ngành thì có thể đưa hàng về để sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp chỉ cần ký hợp đồng với tổ chức bảo hiểm để họ đứng ra bảo đảm với hải quan việc doanh nghiệp sẽ thực hiện tất cả nghĩa vụ với cơ quan nhà nước. Bảo lãnh thông quan trên thực tế đã được áp dụng tại nhiều quốc gia và mang lại những kết quả khả quan.
Đây không chỉ là công cụ giúp cho cơ quan hải quan nâng cao năng lực quản lý, nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp mà còn giúp cho hàng hóa được thông quan nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Trước kia, nếu muốn bảo lãnh thuế thì doanh nghiệp xuất nhập khẩu chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là được sự bảo lãnh của ngân hàng và đòi hỏi phải có tài sản bảo đảm.
Với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo lãnh thông quan cho các doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm thì doanh nghiệp xuất nhập khẩu không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo cho khoản tiền phải thế chấp.
Các đơn vị bảo hiểm sẽ phân tích khả năng hoạt động, khả năng chi trả thay vì chỉ nhìn vào số tài sản doanh nghiệp và cơ hội kinh doanh sẽ đến nhiều hơn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
"Theo kinh nghiệm các nước đã áp dụng thì việc bảo lãnh thông quan sẽ làm giảm chi phí hành chính từ 0,1 - 0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5 - 0,8% trị giá lô hàng và từ đó sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng 1%, tạo ra sự cạnh tranh tốt hơn cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trong phạm vi khu vực và thế giới...", ông Mai Xuân Thành nhấn mạnh.
Như vậy, đại lý thủ tục hải quan và bảo lãnh thông quan đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị logistics mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần hướng đến sử dụng để giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá của mình.