Sáng 8/1, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018, sau khi đã tiến hành khảo sát hơn 3.000 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên cả nước ở tất cả các thành phần kinh tế như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp dân doanh...
Có 56% doanh nghiệp gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN
Kết quả khảo sát cho thấy, còn có 56% doanh nghiệp gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính xuất nhập khẩu; 53% doanh nghiệp gặp khó khăn trong các thủ tục kiểm tra và xác định mã số HS; 30% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra, xác định giá trị hải quan và có đến 38% doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành trong năm vừa qua...
Báo cáo cũng tổng hợp có tới 70% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, 53% doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; 48% kiến nghị về việc tăng cường quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và hải quan; 43% doanh nghiệp mong muốn tăng tính công khai minh bạch cũng như kỷ cương, chuyên môn của cán bộ công chức.
Còn khoảng 30% doanh nghiệp kiến nghị cải thiện hệ thống cơ sở vật chất đối với ngành hải quan.
Đại diện VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, cho biết, trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng phát triển và yêu cầu đòi hỏi phải cải cách thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành theo tinh thần của Nghị quyết 19 do Chính phủ ban hành về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, VCCI và Bộ Tài chính đã cùng phối hợp triển khai khảo sát doanh nghiệp trên cơ sở hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Mục đích là nhằm kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nội dung khảo sát tập trung vào các tiêu chí như tiếp cận thông tin, thực hiện thủ tục hành chính hải quan, sự phục vụ của công chức hải quan, thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành, thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và chi phí ngoài quy định.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, ngành hải quan đã và đang nỗ lực thực hiện công cuộc cải cách trên tất cả các lĩnh vực, được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao với tinh thần kết nối, chia sẻ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tăng cường quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan đã nhiều lần tổ chức khảo sát ý kiến doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, lắng nghe ý kiến phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu tại Việt Nam.
Từ đó kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi các quy định pháp luật, triển khai các nội dung cải cách để nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp, từng bước nâng cao hơn nữa mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
Năm 2018, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức khảo sát ý kiến mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Kết quả khảo sát phản ánh những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc thực hiện thủ tục hành chính hải quan trong năm, cũng như những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành Hải quan trong thời gian tới.
Thông qua kết quả khảo sát doanh nghiệp, VCCI kiến nghị ngành hải quan cần sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, theo đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý xuất nhập khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết 19 hàng năm như áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển căn bản về hậu kiểm, áp dụng các thông lệ quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngoài ra, trong lĩnh vực hải quan thì các quy định liên quan đến thuế và quản lý thuế như cách xác định trị giá, các thủ tụ không thu thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế.
Liên quan tới quy định quản lý và kiểm tra chuyên ngành, ông Tuấn cũng kiến nghị, phía hải quan cần nhanh chóng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; việc quản lý theo mức độ tuân thủ và công nhận tiêu chuẩn của các nước tiên tiến có ký thỏa thuận với Việt Nam.
Ngoài ra, cần tăng nghĩa vụ của doanh nghiệp, nhà nhập khẩu... Thêm nữa, cần nhanh chóng thực hiện Nghị quyết 02/2019 của Chính phủ về các nhóm giải pháp cải cách toàn diện việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia...., ông Tuấn kiến nghị./.
Thạch Huê/Bnews/TTXVN