Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chi phí logistics còn cao, thậm chí là rất cao". Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về logistic, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc khẳng định, chi phí logistics cao ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
“Logistic là một trong các hội nghị toàn quốc được tổ chức để giải quyết 4 vấn đề lớn của kinh tế đất nước, đó là nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, dịch vụ; thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn. Vấn đề logistic đã được các cấp, các ngành triển khai trong thời gian qua nhưng khái niệm, cách xử lý còn rời rạc, chi phí còn cao, thậm chí rất cao. Thông qua hội nghị này để các địa phương, các ngành hiểu đầy đủ hơn, tổ chức thực hiện tốt hơn dịch vụ logistic”, Thủ tướng nói.
Đồng thời, Thủ tướng cũng cho rằng, dịch vụ này không mới nhưng là vấn đề chuyên ngành, còn ít người hiểu và thực hiện đầy đủ. “Tổ chức GTVT hiện nay mới đơn tuyến, chỉ tập trung vào đường bộ, chưa có biện pháp kết nối hiệu quả. 45% xe quay về không chở hàng, làm sao chi phí không cao”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần khẳng định vai trò to lớn của logistic đối với nền kinh tế đất nước, lĩnh vực trị giá hàng tỷ USD, một trong 12 nhóm ngành được Cộng đồng kinh tế ASEAN ưu tiên phát triển, được doanh nghiệp tham gia. Nếu chúng ta không làm doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm trong khi nước ta chưa có doanh nghiệp mạnh về logistics.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó có chi phí logistic, ảnh hưởng đến cạnh tranh của kinh tế đất nước. Cùng với nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế... thì việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistic phải được quan tâm đúng mức, thực hiện có hiệu quả với những hành động cụ thể.
Vì vậy, người đứng đầu Chính Phủ đề xuất 4 giải pháp để giảm chi phí logictics cho doanh nghiệp:
Thứ nhất, đẩy mạnh tái cơcấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính; thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%.
Thứ hai, Việt Nam cân đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng. Xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc.
Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bốc xếp và hệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
Thứ tư, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng biển theo hướng tập trung phát triển lợi thế kinh tế vùng. Nâng cao chất lượng dịch vụ của đội tàu Việt Nam.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI - Logistics Performance Index) năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc trong thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, theo nghiên cứu của WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9 % so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Do vậy, việc cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay và có ýnghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế.
Báo cáo của Bộ Giao thông-Vận tải cho thấy, sơ bộ năm 2016, tỷ lệ phần trăm khối lượng hàng hoá vận chuyển theo ngành vận tải như sau: Vận tải đường bộ có giá thành cao nhưng chiếm tới 77,2% thị phần, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường biển chỉ chiếm 17,14% và 5,22%; cá biệt vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,42%, đường hàng không chỉ chiếm 0,02 %. Hiện nay chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao, chưa phù hợp với thực tiễn do sự canh tranh không lành mạnh giao dịch chủ yếu qua trung gian, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải. Về thành phần cấu thành chi phí vận tải, theo số liệu từ doanh nghiệp vận tải thì trong chi phí vận tải đường bộ, xăng dầu chiếm khoảng 30 - 35%, phí cầu đường (BOT) bình quân chiếm khoảng 10-15%.
Trên hành lang Bắc Nam: Vận tải đường sắt, đường biển đều kém cạnh tranh so với vận tải đường bộ ở các đầu mối kết nối 2 đầu và cả ở các chặng ngắn hơn trên hành lang. Các ga bốc xếp hàng hoá ở hai đầu Hà Nội (Yên Viên, Giáp Bát) và TP Hồ Chí Minh (Sóng Thần) đều có diện tích kho bãi nhỏ, dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu. Các ga trung gian hầu như chưa có ga nào có thể tiếp nhận và xử lý container. Việc kết nối dịch vụ của đường sắt cũng còn nhiều hạn chế. Vận tải biển cũng chỉ đảm nhận một phần khối lượng vận tải giữa miền Bắc và miền Nam, còn trên các chặng ngắn hơn do lượng hàng thấp, thời gian vận chuyển dài hơn nên khách hàng chủ yếu vẫn lựa chọn đường bộ.