Kết quả xuất khẩu đang trên đà tăng khi tốc độ tăng trưởng và giá trị kim ngạch đều cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn đang ẩn chứa một số vấn đề mới nổi hoặc chưa hợp lý cần nhận diện, điều chỉnh để khơi thông nguồn lực, tiềm năng trong nước, hướng tới sự hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường xuất khẩu.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành |
Nắm thời cơ, mở rộng ngành hàng
Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay tăng liên tục. Nhưng, tình hình xuất khẩu đang có diễn biến mới theo xu hướng biến động về cơ cấu hàng hóa. Việt Nam sẽ tiếp tục tiết giảm dần hoạt động khai thác các loại tài nguyên không thể tái tạo, nhất là đối với than và dầu mỏ. Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng khai thác và nguồn thu từ dầu thô, than đá sẽ giảm, đồng thời đặt ra yêu cầu cần có những loại hàng khác để thay thế, bù đắp. Đây là vấn đề cần giải quyết để bảo đảm duy trì được kết quả tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu.
Theo thống kê của ngành chức năng, kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 115 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, kết quả xuất khẩu nhóm hàng rau quả có mức tăng đột biến, với kim ngạch 2 tỷ USD, tăng 45%. Thực tế này gợi mở cho ngành Nông nghiệp nói chung, các đơn vị sản xuất kinh doanh và nhà nông đón cơ hội, chủ động mở rộng quy mô sản xuất trên cơ sở tận dụng tối đa thế mạnh của một quốc gia có nhiều sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới. Trong một diễn biến khác, hiện nay phong trào sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, thu hoạch và bảo quản đang trên đà lan tỏa, hứa hẹn những thành công mới trong thời gian tới.
Các yếu tố cần thiết đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là sự khai thác, nắm thời cơ để hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Thực tế cho thấy, Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo việc gia tăng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo như điện thoại, linh kiện điện thoại, máy tính, hàng điện tử - bán dẫn... Đây là định hướng xuyên suốt, có tính chiến lược lâu dài, phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh tốc độ hiện đại hóa nền kinh tế, kết hợp với chuyển dịch cơ cấu sản xuất và sản phẩm công nghiệp.
Chủ động điều chỉnh cơ cấu thị trường
Xét về cơ cấu thị trường, Mỹ vẫn giữ vững vị thế là thị trường lớn nhất của hàng Việt. Đặc biệt, từ khi nối lại quan hệ thương mại toàn diện với Mỹ thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này tăng liên tục và nhanh chóng trở thành thị trường lớn nhất nhờ tiềm năng và sức mua cao hàng đầu thế giới. Một số mặt hàng truyền thống được đánh giá là vẫn giữ được chỗ đứng tại Mỹ trong thời gian tới gồm hàng dệt may, thủy sản, da giày, rau quả.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung năng lực sản xuất và chế biến tinh để thâm nhập mạnh hơn vào thị trường Trung Quốc, qua đó khai thác triệt để lợi thế gần gũi về khoảng cách địa lý, tiết giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian giao hàng. Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng xuất khẩu vào Trung Quốc còn giúp từng bước giảm mức nhập siêu trong giao thương, bởi Việt Nam luôn nhập siêu ở mức cao với thị trường này.
Các doanh nghiệp cũng nên rà soát, đánh giá kỹ về hiệu quả xuất khẩu sang các nước thuộc ASEAN, bởi đây là thị trường tuy gần nhưng lợi nhuận và lợi thế xuất khẩu của hàng Việt Nam không cao. Nhìn chung, Việt Nam vẫn nhập siêu trong quan hệ thương mại với thị trường khu vực, với nguyên nhân là do sự tương tự về chủng loại hàng hóa cũng như thói quen tiêu dùng của người dân nước ta và các nước thành viên. Thực tế trên thị trường, nhiều sản phẩm nông nghiệp, dệt may, ô tô... của nước ta rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, nhất là xét trong bối cảnh thuế suất của phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam và hàng của ASEAN đang lùi về 0%.
Riêng đối với một số thị trường quan trọng khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, các chuyên gia gợi ý cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ tìm hợp đồng mới để tăng trưởng tối đa. Nhìn chung, các thị trường nói trên đều có sức mua khá cao, dung lượng thị trường lớn, đồng thời đã quen với hàng "made in Vietnam" nhưng lại “khó tính”, nên các nhà xuất khẩu Việt Nam cần bảo đảm chất lượng hàng hóa, nhất là sự an toàn cho người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông - thủy sản.
Trên thực tế, thị trường thế giới vận hành liên tục với nhiều yếu tố bất lợi, có lợi đan xen, đòi hỏi sự theo dõi, nắm bắt tình hình và điều hành từ cấp vĩ mô cũng như sự ứng phó linh hoạt của các doanh nghiệp. Hy vọng, tình hình xuất khẩu sẽ có bước chuyển dịch hợp lý cả về cơ cấu hàng hóa và thị trường, thu về những kết quả tích cực hơn trong thời gian tới.