Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, việc tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu sang Trung Quốc nằm trong kế hoạch tìm các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm.
Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để cung cấp thêm thông tin, định hướng cụ thể với từng mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Xuất khẩu sang Trung Quốc 6 tháng năm 2019 chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3% (tương đương mức tăng 42,7 triệu USD). Theo Bộ Công Thương thì đây là mức tăng quá thấp, nếu không có những giải pháp kịp thời trong thời gian tới, nhiều loại nông sản của nước ta sẽ khó hoàn thành được chỉ tiêu xuất khẩu.
Theo đánh giá, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng quá thấp một phần đến từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 không khởi sắc.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối.
Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng nông sản của nước ta đã bị sụt giảm sản lượng và trị giá xuất khẩu, điển hình là gạo giảm hơn 69%, sắn và sản phẩm tù sắn giảm 14,7%, thức ăn gia súc, nguyên liệu giảm 15,7%, rau quả giảm 1,7%...
Đáng lo ngại, với mặt hàng gạo, sự sụt giảm về giá xuất khẩu vẫn chưa dừng lại. Tuần qua, thị trường gạo chứng kiến mức sụt giảm đáng kể của giá gạo xuất khẩu khi giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ mức 340 - 350 USD/tấn hồi tuần trước xuống chỉ còn 335 - 345 USD/tấn vào ngày 15/8/2019.
Nhu cầu tiêu dùng gạo tại thị trườngTrung Quốc suy giảm mạnh, trong khi dự trữ lúa gạo gia tăng, thêm nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo về lúa gạo nhập khẩu… là những lý do khiến xuất khẩu gạo sang thị trường này sụt giảm rất sâu.
Tính chung 7 tháng năm 2019, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt sản lượng 288 triệu tấn, kim ngạch 145,2 triệu USD, giảm 70% về trị giá so với cùng kỳ.
Thế Hải