Đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng kỷ lục. Ngày 1/6, Nikkei công bố báo cáo về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), cho thấy các điều kiện kinh doanh sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 5 ước đạt 3,2 tỉ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỉ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017 |
Chỉ số nhà quản trị mua hàng - PMI tháng 5, theo đánh giá của Nikkei đã tăng thêm 1,2 điểm, từ 52,7 điểm tháng trước, thành 53,9 điểm. Đây là mức cải thiện đáng kể nhất kể từ tháng 4/2017.
Nikkei nhấn mạnh các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện suốt 2,5 năm qua. Như đơn vị này ghi nhận kể từ tháng 12/2015, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng trong tháng 5. Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng mạnh so với tháng 4 nhờ vào số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng kỷ lục, tốc độ tăng được coi là mạnh và nhanh nhất trong 14 tháng.
"Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhờ số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2011", Nikkei cho hay.
Đơn đặt hàng tăng kéo theo sản lượng tăng tương ứng – nhanh nhất trong 3 tháng. Lượng việc tồn đọng cũng tăng theo, nhưng ở mức độ nhẹ. Việc làm cũng được cải thiện, tăng mạnh nhất kể từ tháng 1.
Tốc độ tăng hoạt động mua hàng cũng đã nhanh hơn và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/2016.
Nikkei cũng chỉ ra rằng thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục bị kéo dài nhẹ trong tháng 5 do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó, cùng với mức tăng nhanh hơn của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới, mức độ lạc quan trong kinh doanh đã tăng lên trong tháng 5. Hơn 52% số người trả lời khảo sát dự kiến sản lượng tăng trong năm tới, và mức độ lạc quan có được chủ yếu do số lượng đơn đặt hàng mới được dự đoán tiếp tục tăng.
Ông Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát cho biết: "Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng ở mức kỷ lục là điểm nhấn chính của kết quả chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei mới nhất, từ đó giúp thúc đẩy tăng trưởng.
Giá cả đầu ra tiếp tục tăng chậm lại khi các công ty thường muốn giảm giá bán để bảo đảm doanh số bán hàng hơn là chuyển gánh nặng chi phí đầu vào tăng sang cho khách hàng."
Trong một diễn biến khác, mới đây, trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, Tổ chức đánh giá tín dụng Fitch dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2018, nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, sản xuất tiếp tục khởi sắc và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh.
Fitch đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trong số các nước có cùng mức xếp hạng “BB”. Fitch cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam chủ yếu là do Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt cam kết kiềm chế nợ công và cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Theo Báo Điện tử Chính phủ