Những quy định khắt khe, chưa thực sự hợp lý nêu trong Nghị định 109/2011/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo của Chính phủ đã và đang khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở quy mô vừa và nhỏ phải “chào thua”.
Chỉ còn 80 doanh nghiệp xuất khẩu
Tại phiên họp về “ngành hàng lúa gạo tái cơ cấu và thích ứng với biến đổi khí hậu” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: Từ khi ra đời đến nay, nhiều quy định tại Nghị định 109 thực sự trở thành “rào cản” đối với không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Điển hình là những điều kiện đi kèm như, doanh nghiệp xuất khẩu phải có kho đủ khả năng chứa 5.000 tấn gạo, có nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ… Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để làm được kho đủ khả năng chứa 5.000 tấn gạo, chi phí rất lớn khoảng 20-25 tỷ đồng.
Với những doanh nghiệp đang xuất khẩu gạo mà không thể đáp ứng điều kiện, kết quả là phải đóng cửa. Một lựa chọn khác của doanh nghiệp là tìm cách sáp nhập lại với nhau hoặc chấp nhận trở thành nhà thầu phụ, gom hàng và bán lại cho các doanh nghiệp có quyền xuất khẩu. Tư duy quản lý thiên về số lượng như vậy khá lạc hậu, cơ học, không đưa ra lý giải tại sao lại phải có nhà kho tới 5.000 tấn, có nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ.
Một trong những bất cập nổi cộm tại Nghị định 109 còn là muốn xuất khẩu, doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Ông Vinh phân tích, xét tới cùng, VFA cũng chỉ là tổ chức do hai doanh nghiệp Nhà nước là Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thay nhau lãnh đạo.
Vô hình trung, khi doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp thông tin về hợp đồng cho VFA cũng chính là cung cấp thông tin cho đối thủ cạnh tranh của mình. DN Nhà nước ở đây có thẩm quyền như cơ quan Nhà nước, có quyền từ chối đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác. Đây là điều không bình đẳng.
Cùng với đó việc kiểm soát giá, không bán gạo dưới giá sàn cũng là điều chưa thực sự hợp lý. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, khi giá lúa gạo trong nước thấp, doanh nghiệp mua thấp và có thể bán đi kiếm lời. Tuy nhiên, theo quy định trong Nghị định 109, doanh nghiệp không được bán dưới giá sàn nên khi giá sàn chưa kịp điều chỉnh thay đổi kịp thời với thực tế, doanh nghiệp không thể xuất khẩu gạo. Tình trạng này khiến hàng hóa tồn đọng, ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế trong nước.
“Rõ ràng, nhiều quy định trong Nghị định 109 không có tác động tích cực làm tăng thu nhập cho người nông dân, tăng giá xuất khẩu hay tăng chất lượng gạo, song lại tạo ra rào cản rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trước khi có Nghị định 109, toàn quốc có khoảng 230 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu ở các phạm vi khác nhau. Điều đáng chú ý là, doanh nghiệp xuất khẩu mới tham gia vào thị trường rất ít”, ông Vinh đánh giá.
Nhanh chóng sửa đổi
Đứng từ góc độ của doanh nghiệp, bà Nguyễn Phương Dung, Giám đốc Công ty Thành Phương cho rằng: Nhiều nội dung nêu tại Nghị định 109 còn thiếu bình đẳng, có phần ưu tiên cho doanh nghiệp Nhà nước.
“Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT phải có đề nghị kiên quyết với Chính phủ để sửa đổi, đảm bảo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp trong kinh doanh. Để sửa đổi Nghị định 109 cho phù hợp hơn với thực tiễn, phải có sự họp mặt góp ý của nhiều doanh nghiệp trong ngành lúa gạo, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ”, bà Dung nói.
Về vấn đề này, ông Vinh kiến nghị, cần loại bỏ hết các điều kiện đặt ra đối với doanh nghiệp trong Nghị định 109. Đặc biệt, cần loại bỏ các thẩm quyền Nhà nước hiện đang trao cho VFA, đưa VFA về đúng vị trí của một hiệp hội doanh nghiệp, đồng thời bỏ các hợp đồng bán gạo tập trung (G2G), Nhà nước không nên đi buôn mà chỉ đứng ở vai trò hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Không đồng ý hoàn toàn với quan điểm của ông Ninh, theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Không thể xóa bỏ hoàn toàn các điều kiện đặt ra trong Nghị định 109.
Trên thực tế, đúng là trong Nghị định 109 có nhiều quy định tồn tại bất cập, không phù hợp với xu thế phát triển. Cơ quan quản lý Nhà nước phải nhìn nhận, xem xét dựa trên phản ứng dư luận xã hội, doanh nghiệp để kịp thời bổ sung, sửa những thứ không phù hợp, đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.