“Suốt mấy năm vừa rồi, thông qua Nghị quyết 19, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành từng bước rút ngắn thời gian thông quan của Việt Nam, nhưng chỉ bằng Nghị quyết 148, Hải Phòng đã góp phần tăng số thời gian đó lên nửa ngày, một ngày, thậm chí là vài ngày”, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Phó Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF) cho biết.
Không hợp pháp cũng chả hợp lý
Chiều 13/2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Quy định thu phí cửa khẩu cảng biển Hải Phòng: Các vấn đề và ảnh hưởng” bàn về Nghị quyết 148 do HĐND TP Hải Phòng đưa ra ngày 13/12/2016 và được áp dụng từ đầu năm nay
Theo đại diện của VPSF, chưa nói đến những tác động tiêu cực của nghị quyết này đối với doanh nghiệp thì quá trình xây dựng và ban hành nghị quyết đã có nhiều điểm không hợp lý.
Điển hình như không lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quy định; Không đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố tối thiểu 30 ngày để lấy ý kiến các đối tượng liên quan; Không đánh giá tác động chính sách và thủ tục hành chính xuất hiện tại Nghị quyết hoặc nếu có đánh giá thì chỉ mang tính hình thức, không đúng quy định.
Đáng chú ý, VPSF còn chỉ ra quy định thu phí của Hải Phòng còn vi phạm điều 3, GATT của WTO về đối xử quốc gia, đã được nội luật hoá thành Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia năm 2000 và hàng loạt hiệp định song phương khác mà Việt Nam đã ký kết khi chỉ áp dụng phí này với hàng xuất nhập khẩu mà không áp dụng với hàng trong nước.
Từ những phân tích trên, phía VPSF cho rằng Nghị quyết 148 của Hải Phòng có dấu hiệu ban hành trái pháp luật.
Mặt khác, qua khảo sát từ phía cộng đồng doanh nghiệp trong những ngày vừa qua cho thấy mức phí của Hải Phòng đang thu là quá cao, có dấu hiệu phí chồng phí, tận thu, thu cho ngân sách thay vì chỉ bù đắp cơ bản chi phí liên quan hạng mục phí.
Theo ghi nhận, tổng mức thu phí cửa khẩu cảng biển dự kiến của Hải Phòng năm 2017 là 1.500 tỷ nhưng theo tính toán nhanh của của các Hiệp hội doanh nghiệp sau những ngày đầu áp dụng thu phí thì năm 2017, Hải Phòng sẽ thu được ít nhất 2.300 tỷ.
Số tiền này, đại diện chính quyền Hải Phòng trả lời phỏng vấn VTV1 cho biết sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp vì “toàn bộ sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”, giải quyết tình trạng đường nối từ cao tốc xuống cảng Hải Phòng luôn ách tắc.
Như vậy, phía doanh nghiệp nhận định việc thu phí đã sai mục đích, nguyên tắc ngay từ đầu. Đây cũng là căn cứ để doanh nghiệp đánh giá Hải Phòng đã lạm thu từ phí cho ngân sách thành phố.
Một điểm đáng nói khác khiến cho cộng đồng doanh nghiệp bức xúc được tập hợp lại nữa là thời điểm ban hành. Theo đó, Nghị định được ban hành cuối tháng 12/2016, thông báo triển khai vào ngày cuối cùng của tháng và được áp dụng luôn ngày 1/1/2017.
“Điều này khiến cho hàng nghìn doanh nghiệp rơi vào thế khó khăn, trở tay không kịp”, phía VPSF nhấn mạnh.
Chính sách địa phương, công sức cả nước “xuống sông xuống bể”
Trong thời gian 1,5 tháng thực hiện Nghị quyết 148, các doanh nghiệp đã phản ánh lên hệ thống các hiệp hội rằng thời gian thông quan của họ đã bị kéo dài. Cá biệt, có 20% doanh nghiệp cho biết sau khi thực hiện xong thủ tục này thì đã là cuối giờ chiều nên phải thuê bến bãi và lưu kho toàn bộ số hàng hoá qua đêm để chờ thủ tục tiếp vào ngày hôm sau.
“Chu trình thực hiện hoàn toàn thủ công”, đại diện doanh nghiệp nói. Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Phó Tổng Thư ký VPSF cho biết: “Nhóm công tác chúng tôi chia sẻ là suốt mấy năm vừa rồi Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành từng bước rút ngắn thời gian thông quan của Việt Nam thông qua Nghị quyết 19, vậy mà chỉ bằng quyết định này thôi, Hải Phòng đã góp phần tăng số ngày đó lên nữa, một, thậm chí là vài ngày. Thành tích và sự nỗ lực của tập thể có thể xuống sông, xuống bể”.
Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, bà Đào Thị Thu Huyền cho biết họ không thể tượng tưởng điều gì đang xảy ra.
“Trung bình 1 container 40 feet của doanh nghiệp Nhật Bản nhờ một bên liên quan làm thủ tục Hải quan thuế phí hết 4 triệu đồng, nhưng đường cao tốc vào cảng Hải Phòng hết 500 nghìn đồng. Doanh nghiệp không thể hiểu vấn đề gì đang diễn ra ở đây”, bà Huyền cho biết.
Hiện, theo thống kê của JETRO, 65% doanh nghiệp Nhật Bản đang quan ngại về luật pháp Việt Nam vì nội dung ra đời không rõ vì sao, đột ngột và tuỳ hứng, thường xuyên thay đổi, đồng thời, không có đánh giá về tác động hay ý kiến của đối tượng thụ hưởng.
Các doanh nghiệp khác cũng cho biết họ đã nhìn thấy cả một “tiến trình lỗ” trong năm 2017 mà không có cách nào tránh được vì hợp đồng đã ký. Nếu phá bỏ hợp đồng thì ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín đối tác.
Ngoài những nội dung trên, các chuyên gia được tham khảo ý kiến đã chỉ ra nghị quyết tuy của địa phương nhưng có thể ảnh hưởng đến cả chính sách tài khoá quốc gia. Bởi lẽ, phí này được tính vào chi phí hạch toán của doanh nghiệp sẽ khiến cho lợi nhuận doanh nghiệp giảm đi, như thế thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm. Do đó, đấy chính là câu chuyện của ngân sách trung ương.
“Mỗi địa phương (nếu Hải Phòng thành tiền lệ) bỏ túi mấy nghìn tỷ tiền phí thì ngân sách trung ương sẽ bị lấy đi khoảng 20% số ấy”, các tính toán cho biết.
Mặt khác, vấn đề này cũng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì mức phí cao, thủ tục rắc rối sẽ khiến cho các doanh nghiệp chọn cách “đi đường vòng”, qua các cửa khẩu khác, như Thái Lan dù nó xa hơn 600km.
Như vậy, những chính sách về thu hút hàng hoá trung chuyển của Việt Nam có thể không thực hiện được.
Với những thiệt đơn, thiệt kép, cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia kiến nghị lên Thủ tướng xem xét việc đình chỉ Nghị quyết 148 của Hải Phòng, đồng thời chỉ đạo các Bộ ngành xem xét, đánh giá lại toàn bộ quy trinh, điều khoản.
Theo cafef.vn
Theo cafef.vn